Kỹ thuật mổ thay khớp háng toàn phần không xi măng
(TS.BS Nguyễn Văn Hoạt – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Khái niệm
Kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng là phẫu thuật thay hõm khớp và chỏm khớp không cần dùng đến xi măng để gắn khớp nhân tạo vào xương chậu và xương đùi của người bệnh (tự cố định). Đây là một phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên không những có hiểu biết sâu, rộng về lĩnh vực thay khớp mà còn phải có kỹ thuật cao mới có thể đem lại hiểu quả, nâng cao tuổi thọ của khớp.
Chuẩn bị phẫu thuật
Chụp X.Quang khung chậu thẳng
Chụp XQuang khung chậu thẳng (tỷ lệ 1/1) lấy cân đối 2 bên khớp háng, xác định tình trạng của chỏm, cổ xương đùi, hõm khớp 2 bên, xác định một số mốc như đỉnh mấu chuyển lớn, bờ trên mấu chuyển bé, chiều dầy của thành xương cứng (xương đùi, hõm khớp)…
Xác định chiều dài của chân
Xác định, so sánh chiều dài 2 chân trên lâm sàng phối hợp với phân tích hình ảnh Xquang trước mổ là rất quan trọng để có thể dự đoán kích cỡ cán và cổ chỏm trong khi phẫu thuật nhằm hạn chế biến chứng so le chi. Để xác định sự khác nhau giữa chiều dài chi 2 bên dùng một đường kẻ qua bờ dưới 2 ụ ngồi và đo so sánh 2 khoảng cách từ bờ trên mấu chuyển bé tới đường kẻ trên (Phim X.quang). Việc đo trực tiếp chiều dài trên lâm sàng sẽ giúp xác định thực tế chiều dài của chân bên bệnh so với bên lành. Đỉnh mấu chuyển lớn có thể là một điểm mốc khác dùng để so sánh trong mối liên quan với đường kẻ ngang qua 2 lỗ bịt.
TS.BS Nguyễn Văn Hoạt – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Phẫu thuật thay khớp háng

Lựa chọn vật liệu thay khớp háng nhân tạo
Một khớp háng nhận tạo gồm 3 thành phần: chỏm khớp, hõm khớp và cán chỏm. Có rất nhiều loại vật liệu khác nhau tạo nên các thành phần trên, lựa chọn loại vật liệu nào đem lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh là một việc khó đòi hỏi phẫu thuật viên có chuyên khoa sâu cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực thay khớp háng.